Hưởng Tang

Chương 314





Lão Ngô nhìn bầu trời bị khói lửa hun đến xám xịt cùng với mặt trời mờ nhạt treo trên đó thì lắc đầu cười nói, “Lão ca ca, ông cũng là người có phúc, chưa biết chừng ông có thể tận mắt thấy cống phẩm đưa vào cung, như thế cũng coi như không uổng cuộc đời này.”
***
Một tháng sau quan binh áp giải đồ sứ rời khỏi lò gạch của Chương thị và khởi hành hồi kinh.

Ngày đó thôn dân quanh vùng đều tụ tập ở cửa thôn nhìn theo đội ngũ mênh mông cuồn cuộn đi xa.

Mấy trăm chiếc xe ngựa chất đầy các loại sứ khác nhau được bọc bằng cỏ và giấy, trên đó ghi “Phong Nhã Trai”.
Phong Nhã Trai là nơi Thái Hậu viết chữ và vẽ tranh.

Mà đồ sứ được dán chữ “Phong Nhã Trai” thì quả thực cũng xứng với ba chữ ấy.

Nó là đồ được đốt riêng cho Thái Hậu dùng, không lẫn với ai.
Năm đó tiên đế tự mình chấp chính và muốn có nhiều tự do hơn nên luôn tìm cơ hội khiến Thái Hậu phải rời khỏi trung tâm quyền lực.

Thế nên tiên đế lấy cớ cảm tạ Hoàng Thái Hậu vì triều đình cống hiến mà hạ chỉ trùng tu Viên Minh Viên, coi đó là nơi để Thái Hậu an dưỡng khi tuổi già, coi như thể hiện lòng hiếu thảo.
Mà “Phong Nhã Trai” Thái Hậu thích nhất chính là trọng điểm trùng tu.

Ngày 19 tháng giêng cùng năm Viên Minh Viên chính thức khởi công trùng tu.

Sau đó hai tháng Nội Vụ Phủ truyền lệnh cho lò thiêu đồ sứ của quan phủ khắp thiên hạ chế tạo một loạt đồ trang trí và bày biện, đi kèm đó còn có hoa văn được định sẵn.
Cứ thế qua hai tháng các nơi đều trình đồ sứ do nơi mình quản lý chế tạo ra cho Nội Vụ Phủ.

Trong một đống đồ sứ màu sắc rực rỡ kia tổng quản của Nội Vụ Phủ chỉ nhìn một lượt đã không hề do dự chọn một cái bình mang hình hồ sen có cò trắng.
Cái bình này trên loe dưới siết, đường cong no đủ, ở miệng có một đường viền màu sáng, bên trong là men gốm màu xanh.

Bên ngoài có cảnh hồ sen, trong đó hoa sen nở rộ, đài sen tròn đầy, ba con cò trắng hai đậu một bay, động tĩnh đầy đủ, hợp lại càng tăng thêm sức mạnh.

Cả cái bình quả thực lóa mắt trong đống đồ sứ rực rỡ.

Mà quan trọng là vị quản sự Nội Vụ Phủ cả đời quen nịnh nọt này chỉ liếc một cái đã biết nó được làm ra đúng theo kiểu Thái Hậu thích.
Bởi vì món đồ sứ này cực kỳ nữ tính, khác hẳn những thứ đồ nam tính màu trắng pha xanh mà mấy đời hoàng đế trước yêu thích.
Màu men gốm bên ngoài của nó có màu phấn hồng cánh sen, sắc vàng, đỏ thẫm, xanh nhạt, phỉ thúy, xanh lá cây.

Mỗi một màu đều như cảnh xuân mềm mại ấm áp, hơn nữa nó không phải chỉ miêu tả mỗi vẻ đẹp của hoa cỏ.

Đời này Thái Hậu quả thực thích hoa hoa cỏ cỏ nhưng trên mặt cái bình này còn kết hợp cả động vật khiến chủ đề càng thêm viên mãn.
Quan trọng nhất chính là cái bình này diễm lệ đến độ tục khí, tuy màu sắc rạng rỡ nhưng khó tránh khỏi cảm giác lòe loẹt, dù nhìn một khắc cũng sẽ thấy phiền chán.
Thứ này nhìn như một thứ đồ bằng sứ nhưng kỳ thật lại giống một nữ nhân hoa hòe lộng lẫy, quần áo rườm rà.
Đồ sứ là thứ thể hiện thẩm mỹ của một người và cũng chính là đại diện cho bản thân người đó.

Thế nên lúc Thái Hậu dùng ánh mắt thỏa mãn tỏa sáng mà nhìn chăm chú vào cái bình hồ sen và cò trắng kia thì tổng quản Nội Vụ Phủ không hề ngạc nhiên.

Ông ta cũng biết một xu hướng thẩm mỹ hoàn toàn mới đã đến, nó sẽ dậy lên từ cung đình và lan sóng ra toàn bộ thiên hạ, cho tới khi thời đại khác thay thế.
Mà con sóng này bắt đầu từ lò gạch của Chương thị, nó mượn tay Thái Hậu đưa mình tới đỉnh vinh quang và huy hoàng.
Lão Ngô không tham gia đội ngũ tiễn đưa, lúc này ông ta hoàn toàn bận bịu với một việc khác.

Đó là việc mà dù nghĩ thế nào ông ấy cũng không thể hiểu rõ tiền căn hậu quả: Lưu Tranh dắt theo vợ con bỏ đi trong đêm.


Ngay buổi tối trước khi đại quân áp tải xuất phát một nhà bọn họ mang theo hành lý rời khỏi thôn, chỉ để lại mấy gian nhà ở rỗng tuếch.
Kỳ thật một tháng trước lão Ngô đã cảm thấy kỳ quái vì sau khi Lưu Tranh tiễn cha mình đi lại không hề hủy phòng ở để xây nhà.

Lúc ông ta hỏi việc này thì hắn dùng cớ thời tiết không thuận lợi để qua loa lấy lệ.

(Hãy đọc thử truyện Người bên lầu tựa ngọc của trang Rừng Hổ Phách) Nhưng cứ thế qua hơn nửa tháng mưa dầm đã sớm ngừng mà Lưu gia vẫn không có ý định xây nhà mới.

Ngược lại, trong lúc vô tình đứa con trai nhỏ của Lưu Tranh lại lỡ miệng nói nhà bọn họ muốn tới Trấn Giang Phủ, từ đây không bao giờ trở lại nữa.
Lúc lão Ngô nghe thấy lời này thì nhanh chóng tìm Lưu Tranh dò hỏi xem có phải hắn chuẩn bị đi đón lão Lưu về để cả nhà cùng nhau đi hay không.

Nhưng Lưu Tranh lại chẳng hề để ý cười cười nói, “Thúc, con nít con nôi nói thì ngài tin làm gì? Cha ta ở đây thì cả nhà chúng ta có thể chạy đi đâu?”
Tất nhiên là lão Ngô tin lời này và cho rằng kia chỉ là lời vui đùa của đứa nhỏ, vì thế ông ấy cũng không để việc này trong lòng.
Nhưng hiện tại nhìn thấy cảnh tượng người đi phòng trống thế là lão Ngô bỗng nhận ra nụ cười của Lưu Tranh lúc đó đúng là đầy thâm ý.

Hắn đã lừa ông ta, bởi vì khi đó hắn còn chưa thu dọn thỏa đáng, sợ có người tới Phổ Tế Đường nói với lão Lưu.

Hắn càng sợ lão Lưu trở về nháo khiến hắn mất mặt với làng trên xóm dưới, chỉ trích hắn là đứa con bất hiếu.
Chuyện bất hiếu Lưu Tranh hắn có thể làm ra được nhưng lại không cách nào thấy kẻ khác chọc cột sống mình mà mắng.
“Súc sinh.”
Lão Ngô căm giận phỉ nhổ, sau đó lập tức quyết định tới Phổ Tế Đường.


Ông ta không đành lòng khi thấy bạn già của mình chẳng biết gì lại còn đi khắp nơi nói con trai mình là đứa nhỏ có hiếu nhất thôn.
***
Lúc chạng vạng Phổ Tế Đường có vẻ đặc biệt an nhàn, tuy ánh hoàng hôn bị khói đặc che mất nhưng ở thế đạo này mà vẫn có cơm để ăn, áo để mặc và một cái giường để ngủ đã coi như xa xỉ.
Vì thế trên mặt mọi người đều là tươi cười, người già hành động không tiện còn có gã sai vặt chăm sóc.

Lão Ngô cảm thấy Lưu Tranh cũng không lừa người: Ở chỗ này ít nhất cũng tốt hơn so với ở trong nhà.
Nghĩ thế nên lòng ông ta cũng có chút an ủi, thay vì để lão Lưu theo đứa con trai khốn nạn kia mệt mỏi bôn ba thì chi bằng để ông ấy ở lại đây an nhàn qua ngày cũng tốt.

Chẳng qua khi biết tin con mình đã bỏ đi không biết ông ấy sẽ có phản ứng gì? Có lẽ ông ấy sẽ hờn dỗi vài ngày, rốt cuộc ông ấy cũng bị chính con đẻ của mình vứt bỏ.

Nhưng sau khi nguôi ngoai hẳn cuộc sống vẫn phải tiếp tục, bởi vì với người già neo đơn như ông ấy thì Phổ Tế Đường đã là chốn về tốt nhất rồi.
Lão Ngô thở dài sau đó quay đầu túm một gãi sai vặt và hỏi, “Xin hỏi vị tiểu huynh đệ này có biết lão Lưu được Lưu Tranh đưa tới đây một tháng trước hiện đang ở đâu không?”
“Cha của Lưu Tranh, cái vị chân cẳng không tốt kia ư?” Gã sai vặt kia cực kỳ khách khí nhưng lời hắn nói ra lại khiến lão Ngô mềm cả chân, cả người giống như đang đạp lên bông, “Lúc sinh thời ông ấy ở căn nhà kia, ngài qua đó là được.”
Nói xong hắn chỉ gian phòng thứ hai bên tay trái ở hậu viện sau đó cúi đầu rũ mắt đi làm việc.